Cùng khám phá lá gan

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể. Đến tuổi trưởng thành gan nặng trung bình khoảng1,5kg và có kích thước gần bằng một quả bóng đá. Vai trò quan trọng nhất của gan thể hiện qua chức năng chuyển hóa và điều hòa hệ thống miễn dịch của gan.

  1. Gan hoạt động như thế nào?

Gan đóng vai trò trung tâm trong tất cả các quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Bao gồm chuyển đổi hoặc phá vỡ các chất để sinh ra năng lương và giảm độc tố của các chất gây hại để loại bỏ chúng ra khỏi máu. Gan thực hiện chức năng trên bằng cách tiếp nhận máu chứa các chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hóa thông qua tĩnh mạch cửa. Các tế bào gan sẽ phân loại những chất dinh dưỡng nên được chuyển hóa tiếp theo, những chất nào được lưu trữ, những chất nên được loại bỏ theo con đường phân và những chất nào nên trở lại với máu.

Trong chuyển hóa chất béo, các tế bào gan phân hủy chất béo và tạo ra năng lượng. Gan sản xuất khoảng 800 đến 1.000 ml mật mỗi ngày. Mật được thu thập trong các ống dẫn nhỏ và sau đó được đưa vào ống mật chính, một phần mật được đưa đến tá tràng. Mật rất quan trọng đối với sự phân hủy và hấp thụ chất béo. Lượng mật còn lại sẽ được tích trữ trong túi mật.

Trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, gan đảm bảo nồng độ đường trong máu không đổi. Nếu lượng đường trong máu của bạn tăng, ví dụ sau bữa ăn, gan sẽ loại bỏ đường ra khỏi máu và lưu trữ dưới dạng glycogen. Nếu bạn có lượng đường trong máu quá thấp gan sẽ phá vỡ glycogen và giải phóng đường vào máu. Cũng như đường, gan cũng lưu trữ vitamin và khoáng chất (sắt và đồng) và giải phóng chúng vào máu khi cần thiết.

Gan cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein: tế bào gan chuyển hóa axit amin trong thực phẩm để chúng có thể được sử dụng để sản xuất năng lượng hoặc tạo ra carbohydrate hoặc chất béo. Một chất độc hại gọi là amoniac là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa này. Các tế bào gan chuyển đổi amoniac thành một chất ít độc hơn nhiều gọi là ure, ure được giải phóng vào máu. Ure sau đó được vận chuyển đến thận và đi ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Gan cũng chuyển hóa rượu trong máu cũng như nhiều loại thuốc bạn dùng. Gan cũng đóng vai trò chính trong việc: tạo ra các yếu tố hệ thống miễn dịch có thể chống lại nhiễm trùng, với sự trợ giúp của vitamin K gan tạo ra các protein quan trọng trong quá trình đông máu, phá vỡ các tế bào hồng cầu cũ và bị hư hỏng và lưu trữ lượng đường trong máu dưới dạng glycogen

  1. Quá trình tái tạo của gan:

Gan thực sự là một cơ quan tuyệt vời ở điểm gan có khả năng tái tạo. Điều này có nghĩa là sau một chấn thương hoặc phẫu thuật để loại bỏ mô, mô gan có thể phát triển trở lại ở một mức độ nhất định. Tế bào gan cũ bắt đầu phát triển kích thước lớn hơn và sau đó tiến hành phân chia tế bào. Trong vòng một tuần sau khi loại bỏ hai phần ba gan, gan có thể trở lại trọng lượng như trước khi phẫu thuật. Gan có thể tái tạo hoàn toàn sau 12 lần phẫu thuật cắt bỏ một phần gan.

  1. Một số bệnh gan hay gặp

Viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công và phá hủy mô gan khỏe mạnh. Viêm gan tự miễn có thể dẫn đến xơ gan và các tổn thương gan khác.

Hẹp đường mật

Hẹp đường mật là tình trạng lâm sàng phổ biến hiện nay, dẫn tới viêm, tắc nghẽn các đường ống dẫn mật từ gan vào ruột non. Mật trào ngược vào gan vì không được lưu thông một cách bình thường (ứ mật), gây phá hủy tế bào gan, thay bằng mô sẹo, dẫn tới tình trạng vàng da và xơ gan. Tình trạng tạo sẹo trong gan càng làm cản trở dòng máu đi qua gan, tạo nhiều sẹo hơn nữa, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Nguyên nhân gây hẹp đường mật có thể là hẹp đường mật bẩm sinh, hẹp đường mật thứ phát

Xơ gan

Xơ gan là tình trạng mô sẹo thay thế mô gan khỏe mạnh. Bệnh xơ gan xảy ra khi sử dụng rượu bia quá mức trong thời gian dài, viêm gan mãn tính hoặc các rối loạn di truyền hiếm gặp (bệnh Wilson).

Bệnh thừa sắt

Tình trạng này gây ra sự dư thừa chất sắt tích tụ trong cơ thể. Quá nhiều chất sắt có thể gây hại cho gan.

Bệnh viêm gan virus

Có nhiều bệnh viêm gan khác nhau bao gồm A, B, C, D và E. Mỗi loại có nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Phổ biến nhất là bệnh viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C.

Bệnh viêm gan A

Viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa nên xuất hiện phổ biến hơn ở các nước đang phát triển thiếu nước sạch và có hệ thống vệ sinh kém. Hầu hết mọi người có thể phục hồi sau viêm gan A mà không bị suy gan hay biến chứng lâu dài. Phòng ngừa bệnh viêm gan A bằng tiêm vắc xin.

Bệnh viêm gan B

Bạn có thể bị lây viêm gan B khi tiếp xúc với máu hay dịch cơ thể của người bị bệnh. Viêm gan B thường lây lan qua quan hệ tình dục không được bảo vệ. Ngoài ra cũng có thể bị viêm gan B bằng cách dùng chung kim tiêm, dao cạo hoặc bàn chải đánh răng của người bị bệnh viêm gan B. Một người mẹ bị nhiễm bệnh cũng có thể truyền virut cho con trong khi sinh. Bệnh viêm gan B có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy gan và ung thư gan. Phòng ngừa bệnh viêm gan B bằng tiêm vắc xin.

Bệnh viêm gan C

Viêm gan C có thể là một bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính. Đường lan truyền phổ biến nhất bằng cách tiếp xúc với máu có chứa virus viêm gan C như dùng chung kim tiêm không sạch để tiêm thuốc hoặc xăm hình. Bệnh viêm gan C có thể gây viêm dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan. Không có vắc-xin hiệu quả chống lại viêm gan C, do đó, việc ngăn ngừa bệnh viêm gan C phụ thuộc vào việc giảm nguy cơ lây nhiễm với vi-rút ở bệnh viện và ở những người có nguy cơ cao hơn

Bệnh gan nhiễm mỡ

Có hai loại bệnh gan nhiễm mỡ do rượu và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Bệnh gan nhiễm mỡ xảy ra khi nhiều chất béo tích tụ trong gan. Một lượng chất béo dư thừa có thể gây viêm từ đó dẫn đến sẹo hoặc xơ hóa. Những người uống quá nhiều rượu bia, béo phì và bệnh tiểu đường loại 2 có nhiều khả năng mắc bệnh này.

  1. Triệu chứng của bệnh gan

Triệu chứng thường gặp bao gồm:

Mệt mỏi

Ăn không ngon

Buồn nôn và nôn

Da và mắt xuất hiện màu vàng (jaudice)

Màu nước tiểu vàng đậm

Màu phân nhạt

Đau bụng vùng dưới sườn phải

Sưng ở chân và mắt cá chân

Chướng bụng (cổ trướng)

Ngứa da

Dễ bị bầm tím

  1. Làm thế nào để giữ cho gan khỏe mạnh

Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan A và viêm gan B

Quan hệ tình dục an toàn

Không dùng chung kim tiêm hoặc các vật dụng chăm sóc cá nhân (dao cạo râu, bàn chải đánh răng…)

Thường xuyên tập thể dục

Thận trọng dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến gan

Hạn chế uống rượu vì gan cần phải hoạt động rất nhiều mới phân hủy được chất độc từ rượu

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với chất xơ và cá béo

Tham khảo: Healthline