Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Đây là một vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Bệnh viêm gan B có thể gây nhiễm trùng mãn tính dẫn đến bệnh xơ gan và ung thư gan tăng nguy cơ tử vong cao.
Tổ chức y tế thế giới ước tính rằng trong năm 2015, đã có 257 triệu người sống chung với nhiễm viêm gan B mạn tính. Trong năm 2015, viêm gan B đã gây ra khoảng 887 000 ca tử vong, chủ yếu là do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan
Thống kê từ Liên hiệp quốc (LHQ) mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực có tỉ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới (10 – 20%). Đặc biệt, phần lớn tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B là do lây truyền dọc từ mẹ sang con.
Gần 90% trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B sẽ mang theo suốt đời. Theo thời gian, viêm gan B có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tổn thương gan, suy gan và ung thư gan.
Con đường lây lan bệnh viêm gan B
Bạn có thể bị lây viêm gan B khi tiếp xúc với máu hay dịch cơ thể của người bị bệnh. Ở Hoa Kỳ, viêm gan B thường lây lan qua quan hệ tình dục không được bảo vệ. Ngoài ra cũng có thể bị viêm gan B bằng cách dùng chung kim tiêm, dao cạo hoặc bàn chải đánh răng của người bị bệnh viêm gan B. Một người mẹ bị nhiễm bệnh cũng có thể truyền virut cho con trong khi sinh. Viêm gan B không lây lan qua đường tiếp xúc (ôm), tiêu hoá (thức ăn) hay hô hấp (ho)
Ai có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B
Ai cũng có khả năng bị viêm gan B, nhưng đối tượng có nguy cơ cao hơn là những người có nhiều bạn tình hoặc dùng ma tuý. Ngoài ra, các yếu tố rủi ro khác bao gồm là nhân viên bệnh viện tiếp xúc với máu hay người sống với người bị viêm gan B mãn tính
Điều trị viêm gan B cấp tính
Không có cách điều trị cụ thể cho bệnh viêm gan B cấp tính. Do đó, mục đích chăm sóc là duy trì sự cân bằng dinh dưỡng đầy đủ, bao gồm thay thế chất lỏng bị mất do nôn mửa và tiêu chảy. Quan trọng nhất là tránh các loại thuốc không cần thiết. Không nên dùng Acetaminophen / Paracetamol và thuốc chống nôn.
Điều trị viêm gan B mãn tính
Nhiễm viêm gan B mãn tính có thể được điều trị bằng thuốc kháng virut đường uống. Điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh xơ gan, giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện khả năng sống sót lâu dài. Tuỳ theo tiêu chí thiết lập, ước tính từ 10% đến 40% của những người bị nhiễm viêm gan B mãn tính sẽ cần điều trị. WHO khuyến cáo sử dụng các phương pháp điều trị thuốc uống tenofovir hoặc entecavir – là những loại thuốc mạnh nhất để ức chế virus viêm gan B.
Phương thức phòng ngừa viêm gan B là tiêm vắc xin. Vắc xin viêm gan B được khuyến nghị dùng cho trẻ sơ sinh và tất cả người có nguy cơ nhiễm bệnh đã đề cập phía trên. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh nên tiêm vắc-xin viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ.